Tiny hồi nhỏ cũng kén ăn. Con chỉ ăn một số món nhất định, đặc biệt không thích ăn rau và hoa quả. Thói quen ăn uống hạn chế này ảnh hưởng đến tiêu hoá. Tiny bị táo bón thường xuyên. Từ 7 tuổi trở đi Tiny dần dần ăn đa dạng hơn sau khi được mẹ luyện cho ăn nhiều loại đồ ăn và các cách chế biến khác nhau.
Đến thời điểm bây giờ, Tiny thuộc dạng dễ ăn và hay ăn. Vừa ăn xong bữa tối thì đã hỏi mẹ bữa sáng hôm sau ăn gì. Vì vậy, tôi lên kế hoạch dạy Tiny cách nấu trong dịp hè và cách chọn các loại thức ăn phù hợp cho bản thân.
Đầu tiên là dạy Tiny cách phân biệt các loại rau, thực phẩm, các loại gia vị có thể dùng. Tiếp đến là cho Tiny nếm một món ăn và đọc các thành phần trong món. Ban đầu, Tiny gặp khó khăn để phân biệt. Sau đó thì Tiny cũng quen dần và có thể đọc được cả những thành phần nhỏ nhất mà tôi không ngờ tới. Tiny có vị giác rất tốt, có thể phân biệt được bánh nướng dùng mật ong hay đường.

Thành phần của một gói mì ăn liền
Tôi cũng cho Tiny đi siêu thị và dạy con cách đọc thành phần trên nhãn mác sản phẩm. Nếu trên thành phần có ghi có gluten, casein, chất điều vị, chất tạo màu thì không nên chọn. Tôi dạy cho Tiny cả các loại gia vị nên hay không nên mua để nấu ăn. Cụ thể, gia vị mặn thì dùng muối tinh (có hoặc không có iot), nước mắm; để tạo vị ngọt thì dùng đường trắng, đường nâu hoặc mật ong, tránh các loại mì chính, bột gia vị, chất tạo màu nhân tạo. Không sử dụng các loại gia vị chế biến sẵn như các loại nước sốt do có thành phần gluten, chất tạo màu, chất tạo mùi, chất bảo quản…
Tôi mất gần hai tháng để quen và điều chỉnh nấu ăn bằng muối tinh thay cho hạt nêm và muối gia vị thường dùng. Lúc đầu khi nấu do chưa nêm nếm hợp lý nên các món thường mặn chát. Về sau quen tay tôi dùng thìa trà để đo lượng muối cho vào đồ ăn và dùng một chút đường tinh luyện để cân bằng vị mặn gắt của muối. Cả gia đình tôi cùng ăn một chế độ ăn như nhau.
Trong một bữa ăn bình thường tôi chế biến ba món: một món mặn, một món rau luộc hoặc xào, một món canh. Hôm nào siêu năng hoặc cải thiện thì sẽ có nhiều món hơn. Buổi sáng thì sẽ thường ăn cơm nguội với trứng ốp la hoặc cơm rang trứng, mì gạo nấu với thịt lợn băm, nui gạo sốt thịt bò băm, bún chua thịt lợn viên.
Hôm nào siêng hơn thì tôi sẽ làm món bánh đúc từ cơm nguội tối hôm trước hoặc đồ xôi. Có hôm sáng tôi mua xôi xéo hoặc xôi gấc bên ngoài cho Tiny ăn để đỡ phải nấu. Nhìn chung một tuần thì mỗi sáng ăn một món khác nhau để Tiny không cảm thấy chán.
Bên cạnh những món Việt thì tôi cũng tự tìm và học các công thức bánh mì, bánh ngọt không gluten và casein trên mạng. Tiny rất thích bánh Âu, lúc nào cũng thèm ăn bánh nhưng lại không được ăn. Lúc rảnh rỗi tôi thường làm bánh mì bơ tỏi không gluten, không bơ sữa, dùng men dinh dưỡng thay cho phomai, dùng sốt tự chế thay cho whipping cream. Mỗi lần làm một món, dần dần tích lũy được khá nhiều món phù hợp với Tiny.
Tôi có thói quen dùng nhiều loại gia vị, ưu tiên những loại gia vị của Việt Nam vừa dễ mua vừa rẻ như tỏi, hành, ớt, hạt tiêu… Tôi tập cho Tiny ăn món ăn ướp nhiều loại gia vị nên con bé có thể ăn nhiều món và ăn đa dạng.
Thỉnh thoảng cả gia đình đi ăn ở ngoài và thường hay chọn buffet lẩu nướng. Đây là cơ hội để chỉ cho Tiny cách chọn các loại đồ ăn phù hợp cho mình. Thường Tiny là người ăn nhiều nhất. Lẩu là món mà nước dùng thường cho rất nhiều gia vị. Riêng với gia đình tôi thường yêu cầu nhà hàng cho nước lọc và lấy một số món hải sản như ngao, tôm, gà và ngô ngọt, bắp cải để nấu làm ngọt nước.
Các loại kem và nước giải khát tôi cũng thường xuyên làm. Kem hoa quả, không chứa sữa và gluten. Những loại này thường rất dễ làm và khá ngon.